CẢNH GIÁC: CÁC HÌNH THỨC LỪA ĐẢO CẬN TẾT NGUYÊN ĐÁN

26.01.2024

Các hình thức lừa đảo, đặc biệt là hành vi lừa đảo trực tuyến, ngày càng bùng nổ trong dịp Tết Nguyên Đán sắp đến gần. Gần đây Cục An toàn thông tin đã khuyến cáo người dân nên đặc biệt cảnh giác với những “chiêu trò” đang diễn ra trên không gian mạng, trong đó phải kể đến một số hình thức lừa đảo phổ biến như chuyển trước tiền đóng thuế trúng thưởng, bán hàng qua mạng, mạo danh lãnh đạo, lừa đảo cài app giả,...nhằm chiếm đoạt tài sản.

Các hình thức lừa đảo trên tuy không mới nhưng được thực hiện ngày càng tinh vi hơn khiến nhiều người sập bẫy. Quý Đại lý hãy đọc ngay bài chia sẻ sau đây để hiểu rõ hơn và tránh thất thoát tài sản trong dịp Tết đang cận kề nhé.

Nhờ chuyển trước tiền đóng thuế trúng thưởng
Chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại và mạng xã hội thực chất đã xuất hiện rất nhiều năm gần đây nhưng nhiều người vẫn dính bẫy do nhẹ dạ cả tin trước những lợi ích vô hình mà kẻ lừa đảo hứa hẹn. 



Kẻ lừa đảo sẽ tự xưng là nhân viên văn phòng hoặc nhân viên bán hàng của các Công ty, siêu thị lớn và liên hệ cho các cá nhân qua điện thoại hoặc mạng xã hội để thông báo trúng thưởng. Đa phần, các quà tặng thường có giá trị cao (điện thoại di động, TV, tủ lạnh,...) nhằm hấp dẫn đối tượng bị lừa. Người trúng thường được yêu cầu phải đóng trước thuế quà tặng để nhận thưởng, số tiền đóng thuế có thể lên đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu. Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo sẽ bặt vô âm tín sau khi nhận được số tiền chuyển khoản.

Mời mua hàng để nhận mã trúng thưởng
Hình thức này cũng tương tự như trên, tuy nhiên kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu cá nhân phải mua sản phẩm từ một nhà cung cấp mà họ chỉ định trước khi trao thưởng. Mua càng nhiều sản phẩm, giá trị quà tặng nhận được càng cao. Họ sẽ liên tục thôi thúc bằng cách thông báo rằng chỉ cần mua thêm vài sản phẩm nữa thôi sẽ đủ điều kiện nhận nhiều quà tặng hơn.


Những trường hợp trên xảy ra đa phần do người bị hại không kiểm chứng lại thông tin người gọi và xác minh chương trình khuyến mãi trước khi chuyển tiền. Nếu gặp tình huống tương tự, hãy yêu cầu đối tượng gọi đến cung cấp đầy đủ thông tin họ tên, chức vụ, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế và giấy phép kinh doanh của đơn vị đang công tác để có cơ sở tra cứu và xác minh thông tin. Bên cạnh đó, hãy liên hệ đến các cơ quan có thẩm quyền như Sở Công Thương hoặc Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) để được giải đáp vì các chương trình khuyến mãi có trao thường đều phải được đăng ký và cấp phép bởi đơn vị trên. 

Mạo danh lãnh đạo nhằm chiếm đoạt tài sản
Gần đây, Sở Thông Tin & Truyền Thông tỉnh Sóc Trăng đã phát hành cảnh cáo về thủ đoạn giả danh lãnh đạo Sở và lãnh đạo Công An tỉnh để lừa đảo. 

Các đối tượng mạo danh gọi đến chủ thuê bao và thông tin việc sử dụng số thuê bao với thông tin cá nhân của mình để thiết lập các tài khoản trên mạng xã hội, đăng tải các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, hoặc có liên quan đến đường dây mua bán ma túy mà cơ quan công an đang điều tra. Sau đó, yêu cầu chủ thuê bao phối hợp xử lý vụ việc hoặc yêu cầu chuyển tiền.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân tuyệt đối cảnh giác và không làm theo yêu cầu của các đối tượng nghi ngờ mạo danh. Sở TT&TT và Công an tỉnh là những cơ quan nhà nước, trường hợp có mời làm việc đều phát hành văn bản chính thức hoặc đến tận nhà nơi cư trú để mời. Nếu nghi ngờ, người dân có thể ghi âm cuộc gọi, lưu lại số điện thoại và thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Lừa cài đặt ứng dụng giả mạo
Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng ngày càng được thực hiện tinh vi hơn. Cụ thể, nhiều người dân đã bị lừa cài đặt ứng dụng giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản. Kẻ lừa đảo thường nhằm vào những người cao tuổi ít hiểu biết về công nghệ để thực hiện hành vi xấu. 

Một trong các nạn nhân là anh V., trú tại quận Long Biên (Hà Nội), sau khi truy cập đường dẫn do đối tượng giả mạo là cán bộ công an phường cung cấp, tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công để bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục, anh V. đã bị chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.

Tương tự, chị A., trú tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), được một người đàn ông gọi điện xưng là cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng yêu cầu lên Công an quận cập nhật thông tin bằng lái xe. Do chị A. bận nên cán bộ công an quận giả mạo hướng dẫn cập nhật qua mạng. Sau khi tải ứng dụng dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp, chị A. đã bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Khi tải các ứng dụng giả về máy, mã độc sẽ song song được cài đặt vào điện thoại, điều này cho phép đối tượng lừa đảo truy cập vào thiết bị, xem dữ liệu, đọc tin nhắn, chiếm quyền điều khiển điện thoại. Nghiêm trọng hơn, kẻ lừa đảo còn có thể truy cập vào tài khoản ngân hàng để đổi mật khẩu và mã OTP nhằm thực hiện các lệnh chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.

  
Vì thế, chúng ta phải đặc biệt cảnh giác khi ấn vào các đường dẫn hoặc các ứng dụng không rõ nguồn gốc, chỉ nên truy cập và cài đặt các ứng dụng thông qua Google Play hoặc Apple Store. Bên cạnh đó, hãy cài đặt những phương thức bảo vệ tài khoản như khóa vân tay, nhận diện khuôn mặt, thay đổi mật khẩu thường xuyên,...trên các ứng dụng điện thoại để bảo mật thông tin cá nhân tốt hơn.Ngoài ra, hãy nâng cao cảnh giác khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn lạ từ cơ quan chức năng, không làm việc hoặc cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại mà hãy liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh danh tính người gọi đến nhé.

Hy vọng với những thông tin trên, quý Đại lý của chúng ta sẽ nâng cao cảnh giác trước những tình huống tương tự và tránh thất thoát tài sản trong dịp Tết Nguyên Đán đang đến gần này nhé. 

Nguồn tin: VOV & Vietnamnet.vn
----------
Để biết thêm thông tin chi tiết, Đại lý vui lòng phản hồi qua:

☎ Tổng đài CSKH: 1900 6906 (24/7 - cước phí 1.000đ/phút);
📧 Email: hotro@shopeepay.com;
🌐 Facebook: Đại lý Shopee.